Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Mùa hoa loa kèn trắng


Với những cái tên gọi không đâu xa lạ như huệ tây, hoa loa ken, hoa ly trắng, đó là thứ hoa mà người Hà Nội, nhất là những cô gái trẻ, thường rất thích. Và thướng thì cứ thích gọi cái tên dân dã là hoa loa kèn.

hoa loa ken

Xưa kia, các cụ thường yêu hoa hồng, hoa cúc, và có người cũng chỉ thích hoa huệ. Khoảng đầu thế kỷ XX, trong phòng thường có một lọ độc bình hoặc song bình, bày trên tủ chè, phía trước là chiếc sập gụ, và đến mùa huệ thường được chủ nhân mua về cắm. Huệ ta nhỏ, cành gầy, lá nhỏ, hoa ngần trắng mọc đuổi nhau từ lưng chừng thân rồi lên ngọn. Hoa thơm ngát, nhị vàng, thô tháp, hoang dại từ cành đến lá, thơm đậm đà, lặng lẽ... Thứ hoa này chơi cũng sang mà cũng được dâng cúng trong những ngày giỗ Tết. Huệ ta thường mua bó, mỗi bó thường chục giò. Có thế thì mới đủ mùi thơm cho một căn phòng.

Loa kèn cũng là một thứ huệ, huệ tây... Có lẽ đây là một thứ hoa di thực, được người Pháp mang sang. Các bậc tiền bối, có người cho rằng huệ tây nhập tịch vào nước ta vào khoảng những năm hai mươi hoặc ba mươi của thế kỷ trước, cùng với hoa phăng, cẩm chướng Pháp (Ceillet de France). Hoa phăng được trồng bằng hạt, mua từ Pháp sang, mà trồng đầu tiên ở Đà Lạt. Huệ tây (loa kèn) có lẽ cũng được trồng đầu tiên ở Đà Lạt, vì khí hậu ôn đới, giống với châu Âu.

hoa loa ken trang

Trước đây chỉ có nhà giàu, có nhà sang, nội thất đẹp mới chơi huệ tây. Hoa hình loa kèn, trắng muốt, bông to... Mỗi chùm từ hai đến ba hoa... Một bình hoa hai đến ba cành đặt trong phòng khách, lá xanh, bông màu sữa đông, nhị vàng, thơm rất sang, căn phòng khách bỗng lộng lẫy hẳn lên.

Nước Pháp xưa vốn được gọi là vương quốc của huệ tây (royaume de lis). Với huệ tây, người Pháp cho là hoa biểu thị lòng trong trắng, trinh tiết. “Hoa huệ (tây) là biểu trưng của sự thuần khiết (Le lis est symbole de la pureté), từ điển Pháp giải thích thế. Người đàn bà đẹp thì được khen có nước da màu hoa huệ (tent de lis). Nhiều cô gái Pháp được mang cái tên dễ thương Li-li, đó cũng là do cha mẹ vốn yêu hoa ly (huệ tây) mà đặt tên cho con gái như thế.


hoa hue tay

Những tù nhân Pháp thì săm trổ hình hoa ly trên cánh tay, trên ngực... Danh họa Tô Ngọc Vân có bức tranh “Bên hoa huệ”, vẽ một thiếu nữ Hà Nội rất đẹp, bận áo dài trắng ngồi bên bình hoa huệ trắng muốt... Thật hạnh phúc cho người đẹp được là người mẫu của họa sỹ, của bức tranh lừng danh ấy. Cái dáng ngồi bên hoa huệ tây, ngày ấy, thời ấy, của mỹ nhân ấy, đã trở thành biểu tượng cho sự thanh lịch của Hà Nội, không chỉ đương thời...

Cánh hoa loa kèn trắng ngần, dáng lá xanh cũng thanh thoát biết bao. Mùi hoa sang trọng lan tỏa. Chén trà Tân Cương xanh màu mật ong đã rót. Chợt một hồi còi báo động nổi lên... Tự nhiên, bốn mắt chúng tôi nhìn nhau rồi lặng thầm cúi xuống. Tay tôi và tay em cùng ôm lấy tách trà. Chúng tôi ngồi bên hoa huệ, ở những năm tuổi trẻ hồn nhiên, trong sáng nhất. Bên ngoài, tiếng súng phòng không của Hà Nội đang hiên ngang bắn máy bay Mỹ... Không đừng được, tôi đưa tay ra nắm lấy cổ tay ngần trắng của em, một làn da màu hoa huệ...

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét